
Xe nâng hàng là một loại xe thông dụng dùng để nâng hạ, hoặc di chuyển hàng hóa, thường được sử dụng trong các kho, xưởng, nhà máy…
Những chiếc xe nâng đầu tiên trên thế giới đã ra đời vào những năm giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Đó là những chiếc xe cần cẩu chạy bằng sức tay người để nâng hàng lên. Đến năm 1906, hãng đường sắt Pennsylvania của Mỹ đã cho ra đời những chiếc xe tải chạy bằng pin để chuyển hành lý của khách tại các ga xe lửa. Những chiếc xe nâng bằng tay và những chiếc xe tải chạy bằng pin là tiền đề cho những những chiếc xe nâng hàng hiện đại về sau.
Giai đoạn những năm đầu thế kỷ 20, sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, kinh tế công nghiệp ở Anh phát triển nhưng lại thiếu nhân công, nhu cầu sản xuất ra các loại máy móc thay thế sức lao động của con người hết sức cấp thiết. Đã có nhiều nghiên cứu về xe nâng hàng được ra đời và đến năm 1917, công ty Clark tại Hoa Kỳ đã tiên phong sử dụng máy kéo trong nhà máy để phục vụ sản xuất thay sức lao động của con người.
Cho đến năm 1919, công ty Townmotor và Yale &Towne đã chính thức cho ra đời và đưa vào sử dụng sản phẩm xe nâng hàng đầu tiên, tiền thân của những chiếc xe nâng hàng hiện đại ngày nay.
Trong giai đoạn từ năm 1920 đến 1930 thị trường xe nâng vẫn tiếp tục phát triển. Cùng với việc sử dụng pallet trong các kho và xe nâng điện vào cuối những năm 1930 góp phần làm cho xe nâng điện ngày càng phổ biến hơn.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, trước số lượng lớn hàng hóa được lưu trữu trong kho, nhu cầu về những chiếc xe nâng hàng có động cơ hiện đại hơn và nâng được hàng hóa lên cao hơn được đặt ra. Cần phải có những cải tiến mới cho những chiếc xe nâng đang được sử dụng.
Năm 1954, công ty Lansing Bagnall thuộc tập đoàn Kion của Anh đã tiếp tục phát triển cho chiếc xe nâng điện thời điểm đó bằng cách giúp cho nó có thể tiếp cận những lối đi hẹp. Điều này giúp cho các kho hàng thay đổi thiết kế của mình bằng các hành lang hẹp hơn và xếp chồng hàng hóa lên cao hơn, giúp cho khả năng lưu trữ nhiều hơn.
Trong những năm 1950 đến 1960, những chiếc xe nâng ngày càng được cải tiến với tải trọng hàng hóa và độ nâng ngày càng cao. Nhu cầu về việc bảo hộ an toàn cho người vận hành xe nâng được đặt ra. Người ta bắt đầu xem xét đến tính năng an toàn của xe như độ dịch lùi và khung buồng an toàn cho người cầm lái.
Năm 1956, Toyota sản xuất ra chiếc xe nâng hàng chạy bằng động cơ đốt trong đầu tiên tại Nhật Bản và bán sản phẩm xe nâng này sang Hoa Kỳ vào năm 1967.
Năm 1980, người ta bắt đầu áp dụng thiết kế ergonomic kết hợp vào trong thiết kế xe nâng giúp tăng độ thoải mái cho người lái, giảm thương tích khi sự cố xảy ra và tăng năng suất làm việc.
Trong những năm 1990, tiêu chuẩn về khí thải do xe nâng thải ra trong khi làm việc được áp dụng cho các cơ sở sản xuất, nhằm hướng đến một môi trường trong sạch và an toàn.
Qua 100 năm phát triển, kể từ ngày chiếc xe nâng đầu tiên chính thức ra đời vào năm 1919, đến nay thị trường xe nâng trên thế giới phát triển vô cùng mạnh mẽ, với hàng trăm thương hiệu xe nâng ra đời. Mỗi thương hiệu có những thế mạnh riêng, nhưng tựu chung đều mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm tối ưu, an toàn và tiết kiệm.
- LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA XE NÂNG TOYOTA

Toyota là thương hiệu xe hơi nổi tiếng, lớn thứ hai trên thế giới và có trụ sở đặt ở rất nhiều quốc gia. Ngoài các mẫu xe hơi nổi tiếng, Toyota còn sản xuất xe nâng, xe tải… Xe nâng của Toyota được đánh giá là thương hiệu xe nâng thành công nhất trong lịch sử xe nâng trên thế giới.
Tập đoàn Toyota được sáng lập bởi ông tổ Sakichi Toyoda. Ông sinh năm 1867 tại tỉnh Shizuoka, Nhật Bản trong một gia đình nghèo, có bố làm nghề thợ mộc, còn mẹ thì làm nghề dệt vải. Ông nổi tiếng với các phát minh về máy dệt từ rất sớm và tiền thân của nhà máy xe hơi Toyota chính là nhà máy dệt do ông sáng lập.
Năm 1929, nhận ra sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới và cả ở Nhật Bản, ông đã cho con trai Kiichiro Toyoda sang Anh, bán bằng sáng chế máy dệt cho công ty Platt Brothers với giá 100.000 bảng Anh để lấy tiền đầu tư vào việc chế tạo ô tô.
Năm 1934, sau khi ông Sakichi qua đời, dưới sự lãnh đạo của ông Kiichiro Toyoda, chiếc xe mẫu đầu tiên được ra đời và năm 1935 được sản xuất hàng loạt với dòng xe mang tên Toyota A1.
Năm 1936,một cuộc thi sáng tác logo được tổ chức. Trong hàng ngàn biểu tượng được gửi về, có một biểu tượng hình tròn bao quanh, bên trong là chữ Toyota đã được chọn. Và kể từ đó, tên Toyoda của công ty được đổi thành Toyota.
Ngày 28 tháng 8 năm 1937, công ty Toyota Motor Corporation chính thức ra đời và sau này trở thành Tập đoàn Toyota dưới sự dẫn dắt của ông Kiichiro Toyoda, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành sản xuất ô tô của Nhật Bản và thế giới.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2 và cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra khiến cho nhu cầu về hàng hóa phục vụ chiến tranh tăng nhanh. Đây là thời kỳ phát triển vượt bậc cho Toyota với các đơn hàng đổ về nườm nượp.
Năm 1952, giám đốc Kiichiro Toyoda qua đời, các cộng sự của ông đã tiếp tục thay ông thực hiện ước mơ sản xuất ra mẫu xe con trên quy mô lớn. Và năm 1955, mẫu xe con mang tên Crown của Toyota đã ra đời mang lại thành công vang dội.
Cũng vào thời gian này, Toyota bắt đầu nghiên cứu về xe nâng và năm 1956, mẫu xe nâng đầu tiên chạy bằng động cơ đốt trong của Toyota đã ra đời. Bước sang thập niên 60, thị trường xe nâng phát triển mạnh mẽ và vào thập niên 70, Toyota đã xây dựng riêng một nhà máy để sản xuất xe nâng ở Takahama, và nhà máy này được duy trì cho đến nay.
Từ chiếc xe nâng chạy bằng động cơ đốt trong đầu tiên, Toyota đã cho ra đời xe nâng điện và xe nâng chạy dầu diesel với nhiều mẫu mã đa dạng.
Nền công nghiệp thế giới trong giai đoạn hậu chiến tranh thế giới thứ hai phát triển vượt bậc, thị trường xe nâng từ đó mà cũng phát triển theo.
Năm 1967, Toyota đã có trụ sở bán xe nâng ở Mỹ và phát triển ngày một mạnh mẽ.
Khi số lượng hàng xuất sang Mỹ ngày một gia tăng thì nhu cầu về một nhà máy sản xuất xe nâng ở nước ngoài cũng thật cấp thiết. Năm 1988, công ty sản xuất thiết bị công nhiệp của Toyota đã được thành lập ở Columbus và Indiana và đi vào hoạt động vào năm 1990. Đến giai đoạn 1995, sản lượng xe nâng Toyota trên toàn cầu đã đạt mức 1 triệu chiếc.
Vào năm 2001, Toyota đã mua lại hãng xe nâng BT của Thụy Điển và cho ra đời chiếc xe nâng chạy bằng điện xoay chiều AC đầu tiên trên thế giới, giúp cho thị phần của Toyota trên thế giới càng được củng cố.
Cũng vào năm 2001, Toyota đã vươn lên vị trí hàng đầu thế giới trong thị trường xe nâng và năm 2002 đã nắm vị trí hàng đầu ở thị trường Mỹ. Hai vị trí dẫn đầu này được Toyota tiếp tục duy trì cho đến nay.
Toyota với tham vọng gia tăng sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp vực hậu cần đã mua lại Cascade Corporation, một công ty hàng đầu đầu thế giới về thiết kế và sản xuất các thiết bị trên xe nâng vào năm 2013, và đến 2017 Toyota lại tiếp tục mua lại Bastico của Bastian Solutions.
Cùng với Toyota, thương hiệu xe nâng Toyota liên tục đổi mới và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của mình. Đáp ứng kịp thời cho nhu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo ra những chiếc xe an toàn và đáng tin cậy, nâng tầm cuộc sống thông qua sản phẩm của mình chính là mục tiêu của đội ngũ nhân viên Tập đoàn Toyota và cũng chính là tinh thần của Sakichi Toyoda, ông tổ vĩ đại của Tập đoàn Toyota.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA XE NÂNG TCM

TCM là một thương hiệu xe nâng nổi tiếng của Nhật Bản, được thành lập vào năm 1949 tại Nhật Bản với tên gọi Toyo Carriers Manufacturing Co.,Ltd, viết tắt là TCM, đánh dấu bằng việc sản xuất ra chiếc xe nâng chạy bằng động cơ đốt trong đầu tiên tại xứ sở mặt trời mọc.
Sau khi được thành lập, công ty liên tục phát triển và đến năm 1950, chiếc xe nâng đầu tiên của hãng được sản xuất ra nước ngoài và thị trường đầu tiên của họ chính là Đài Loan.
Đến năm 1954, tên công ty được đổi thành Toyo Umpanki. Co.., Ltd.
Năm 1970, TCM thành lập nhà máy Shiga và bắt đầu hoạt động vào tháng 10 năm 1970.
Năm 1983, công ty nhận được đơn đặt hàng với số lượng 1000 chiếc từ Mỹ, đây là một đơn hàng mơ ước đối với bất kỳ công ty nào.
Năm 1994, công ty thành lập chi nhánh ở Trung Quốc với tên gọi Anhui TCM Forklits Co.., Ltd.
Năm 1999, công ty TCM Co.., Ltd đổi thành Toyo Carriers Manufacturing Corporation.
Năm 2001, một chi nhánh marketing của tập đoàn được thành lập ở Thái Lan với mục tiêu là quản lý kinh doanh khu vực Đông Nam Á với tên gọi TCM Asia Distribution Co.., Ltd.
Năm 2007, tại nhà máy sản xuất Shiga của TCM, một xưởng sản xuất xe nâng mới được thành lập.
Năm 2010 Hội Kỹ Sư Cơ Khí Nhật Bản đã trao bằng chứng nhận “Di Sản Kỹ Thuật Cơ Khí” cho chiếc xe hơi đầu tiên của hãng sản xuất năm 1949.
Năm 2011, công ty TCM Forklit Malaysia Sdn.Bhd được thành lập ở Malaysia nhằm quản lý việc kinh doanh và các dịch vụ sau bán hàng ở đây.
Tháng 8 năm 2012, TCM Corporation cùng với công ty TNHH Nissan Forklit gia nhập Unicarriers Group. Từ đây các dòng sản phẩm và thiết bị của TCM và Nissan được củng cố và bán độc quyền dưới thương hiệu của Unicarriers.
Năm 2014 dòng sản phẩm máy thông minh(smart machine) được ra mắt và bán rộng rãi trên toàn cầu.
Qua 70 năm thành lập và phát triển, từ chiếc xe nâng đầu tiên chạy bằng động cơ đốt trong ở Nhật Bản, đến nay TCM đã có mặt trên khắp thế giới và góp phần khẳng định thêm cho dòng sản phẩm Nhật chất lượng cao. TCM rất đa dạng về sản phẩm, từ xe nâng động cơ đến xe nâng điện ngồi lái và đứng lái, xe xúc lật trượt… và còn được xem như là nhà cung cấp thiết bị nâng hạ hàng đầu thế giới.
Các sản phẩm của TCM không chỉ đa dạng mà còn mang nhiều tính năng nên dễ dàng đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng trong nhiều điều kiện môi trường làm việc khác nhau như xe nâng chạy bằng dầu và bằng xăng, gas cho môi trường làm việc ngoài trời, xe nâng điện cho môi trường làm việc bên trong kho, xưởng… với chi phí thấp.
TCM có hệ thống nhà máy trải dài từ Nhật Bản đến Trung Quốc và Châu Âu với các dòng sản phẩm có mặt khắp nơi trên thế giới. Với hệ thống phân phối toàn cầu, dịch vụ bảo dưỡng của TCM được đánh giá cao và được khách hàng gần xa tin tưởng.
Có mặt ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước với các dòng xe nâng, xe xúc lật, xe điện … sản phẩm của TCM đã có mặt trên khắp bến bãi, công trường, nhà xưởng, siêu thị… của khắp cả nước. Hiện nay ở Việt Nam, TCM chiếm 50% thị phần xe nâng tải trọng 5 tấn trở lên và 70% thị phần xe nâng tải trọng 7 tấn trở lên. Với nhiều tải trọng khác nhau, xe nâng TCM đáp ứng được nhiều nhu cầu hàng hóa với nhiều tải trọng.
Với phương châm:”Gần gũi, thân thiết và am hiểu khách hàng”, TCM đã ngày càng chiếm được nhiều niềm tin yêu của khách, xứng đáng là một trong những thương hiệu Nhật Bản có sản phẩm chất lượng cao.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HÃNG XE NÂNG KOMATSU

Có lẽ người Việt Nam chúng ta không xa lạ lắm với cái tên Komatsu.
Nhãn hiệu này vẫn thường được nhìn thấy ở các công trường xây dựng hay bến cát, bãi đá… thông qua những chiếc máy cẩu, máy xúc, máy ủi…
Đúng vậy, Komatsu là một tập đoàn chuyên sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành xây dựng như xe ủi, xe cẩu, máy xúc đất… và đặc biệt là xe nâng hàng, chiếm một vị trí quan trọng trong các loại hình sản xuất của tập đoàn và trên thị trường thế giới.
Công ty Komatsu được thành lập vào năm 1917 tại Nhật Bản. Tên gọi Komatsu của công ty cũng chính là tên thành phố nơi nó đặt trụ sở ở tỉnh Ishikawa, Nhật Bản. Ý nghĩa của từ Komatsu trong tiếng Nhật có nghĩa là cây thông nhỏ.
Năm 1931, mẫu xe nâng hàng đầu tiên của Komatsu ra đời và bắt đầu cho một xu hướng phát triển máy móc phục vụ ngành công nông nghiệp kéo dài.
Trong suốt thập niên 30, bên cạnh việc sản xuất máy kéo quân đội để phục vụ cho quân đội Nhật Bản, Komatsu liên tục đẩy mạnh phát triển các loại máy phục vụ ngành công nghiệp và nông nghiệp.
Năm 1949, Komatsu bắt đầu sản xuất động cơ chạy bằng dầu diesel cho dòng xe nâng hàng Komatsu.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người dân Nhật Bản nổ lực tập trung vào việc tái thiết đất nước giúp cho nhu cầu sử dụng các sản phẩm của Komatsu ngày càng tăng, doanh số và lợi nhuận của công ty thu về ngày một cao.
Năm 1964, Rioichi Kawai trở thành giám đốc của Komatsu và bắt đầu chiến lược đưa sản phẩm của công ty ra nước ngoài. Mục đích của việc làm này là giúp cho thế giới có cái nhìn mới hơn về các sản phẩm máy móc của Nhật Bản sau thời kỳ hậu chiến mà trước đó vốn bị thế giới đánh giá là rẻ tiền và chất lượng kém.
Năm 1970, Komatsu đầu tư trực tiếp vào Mỹ và sau đó là sự ra đời hàng loạt chi nhánh mới ở Singapore, Úc, Mexico, Brazil và Trung Quốc. Năm 1975, Komatsu mở ra nhà máy sản xuất đầu tiên ở Brazil với sản phẩm máy xúc, mở ra một hướng phát triển mới khi lần đầu tiên có sản phẩm sản xuất ở nước ngoài.
Đầu thập niên 80, Komatsu đoạt giải thưởng Kiểm soát chất lượng Nhật Bản, từ đây chất lượng sản phẩm của công ty đã được khẳng định.
Và 4 năm sau ngày đoạt giải thưởng, năm 1985, Komatsu đã xây dựng một nhà máy rộng 55 hecta ở Chattanooga, Mỹ. Đây là nhà máy sản xuất đầu tiên của Komatsu tại thị trường lớn này.
Sau đó Komatsu còn xây dựng thêm 2 nhà máy ở Canada.
Nhưng đến năm 1987, sau khi Komatsu mở thêm hai chi nhánh ở Châu Âu để phát triển máy đúc nhựa thì doanh số của công ty bắt đầu sụt giảm, đây là giai đoạn tuột dốc của Komatsu.
Năm 1988, Komatsu liên doanh với tập đoàn Dresser Industries ở Mỹ giúp nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường này.
Năm 1997, Komatsu thành lập Komatsu Mining Systems nhằm mở rộng sản xuất sang lĩnh vực thiết bị mở. Năm 1999, lần đầu tiên Komatsu thông báo việc kinh doanh thua lỗ.
Năm 2008, Komatsu cho ra mắt sản phẩm máy xúc PC200-8 Hybrid có khả năng dự trữ năng lượng cao giúp tiết kiệm nhiên liệu và nâng cao năng suất.
Sau giai đoạn sụt giảm doanh số, Komatsu đã nổ lực tái thiết và ngày nay Komatsu là một tập đoàn hùng mạnh gồm công ty TNHH Komatsu và 182 công ty con với số lượng nhân viên lên đến 47.000 người. Ngoài việc sản xuất các máy móc phục vụ ngành xây dựng, hiện nay Komatsu còn sản xuất thêm máy laser, máy phát điện và máy ép. Tuy nhiên trên 70% doanh số của tập đoàn là đến từ việc bán các sản phẩm máy móc phục vụ xây dựng và khai mỏ như xe nâng hàng, máy xúc, máy ủi… Hiện nay Komatsu là công ty sản xuất thiết bị xây dựng lớn thứ 2 trên thế giới, sau Caterpillar.
Tiêu chí của Komatsu chính là thông qua các sản phẩm an toàn và chất lượng của mình sẽ góp phần mang đến cho khách hàng sự thịnh vượng và sung túc.
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN XE NÂNG HÀNG NISSAN

Nissan là một công ty sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản và là một trong những công ty sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Ngoài dòng xe chính là xe hơi, Nissan còn sản xuất xe bán tải, động cơ máy bay phục vụ cho quân đội … và xe nâng hàng.
Mặc dù được thành lập từ năm 1911 tại Yokohama với chiếc xe hơi đầu tiên ra đời vào năm 1914, nhưng đến giai đoạn những năm 50, trước nhu cầu cao của xã hội về việc cần một loại máy móc di chuyển hàng hóa thay sức lao động con người mà chiếc xe nâng đầu tiên của Nissan được lắp ráp và ra đời tại nhà máy Totsuka Nissan Motor vào năm 1957.
Đến năm 1961, Nissan thành lập công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinnikkokukogyo chuyên chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất xe nâng hàng mang thương hiệu Nissan, đưa xe nâng vào sản xuất hàng loạt.
Bốn năm sau đó, năm 1965, Nissan bắt đầu xuất khẩu những chiếc xe nâng hàng đầu tiên sang thị trường Mỹ.
Thị trường xe nâng tiếp tục phát triển và đến năm 1988, sau khi Nissan mua lại cổ phiếu của công ty vận tải Barret của Hoa Kỳ thì xe nâng của Nissan được sản xuất ngay trên đất Mỹ, không cần phải xuất khẩu xe từ Nhật sang như trước kia.
Năm 1989, Nissan tiếp tục mở rộng kinh doanh sang Tây Ban Nha bằng việc thành lập Nissan Motor Ibercia SA.
Giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù công ty Nissan đang trong giai đoạn khó khăn với khoảng nợ 17 tỷ yên nhưng việc kinh doanh và sản xuất xe nâng vẫn phát triển. Năm 1993, Nissan Forklit Corp khu vực Bắc Mỹ được thành lập để quản lý việc sản xuất và bán xe nâng ở khu vực này. Năm 1995, sau khi tách khỏi Nissan Motor Ibercia SA, Nissan Forklit Espana SA đã được thành lập.
Vào năm 2000, đây là giai đoạn công ty Nissan thực hiện kế hoạch khôi phục khủng hoảng với sự dẫn dắt của doanh nhân người Liban, ông Carlos Ghosn, Nissan liên minh với một công ty sản xuất lớn khác của Nhật Bản là Mitsubishi Heavy Industries. Năm 2002, Nissan mở rộng kinh doanh lĩnh vực xe nâng hàng sang Trung Quốc với trụ sở đặt tại Thượng Hải.
Năm 2007, Nissan đã thành công với kế hoạch khôi phục khủng hoảng của chủ tịch Carlos Ghosn, tạo nên bước nhảy bật ngoạn mục trên lịch sử thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Nissan Forklit, Nissan đã mua lại công ty xe nâng với lịch sử hơn 40 năm phát triển của Thụy Điển, là Altet AB giúp cho Nissan Forklit càng phát triển hơn.
Năm 2008, một mô hình về ý tưởng sử dụng lithium ion cho xe nâng của Nissan được trưng bày tại Logis-Tech Tokyo năm 2008.
Năm 2010, công ty Trách nhiệm hữu hạn Nissan Forklit được thành lập và đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh máy móc phục vụ cho công nghiệp.
Năm 2012, Nissan Forklit cùng với TCM Forklit sáp nhập vào tập đoàn Unicarriers, trở thành công ty con có 100% vốn của tổng công ty Unicarriers Group.
Năm 2013, Nissan Forklit và TCM Forklit chính thức được sáp nhập lại, trở thành Unicarriers Forklit Group với các trụ sở được thành lập ở Châu Âu như Đức, Châu Mỹ như Mỹ, Châu Á như Thái Lan và Trung Quốc. Hệ thống bán hàng trực tiếp của Nissan Forklit và TCM Forklit tại Nhật Bản cũng được cơ cấu lại. Sau khi hợp nhất, các nhà máy sản xuất của Nissan Forklit cũng được tổ chức lại: nhà máy South Carolina ở Mỹ được chuyển đến Marengo, nhà máy Totsuka của Takada Kogyo được chuyển đến Shiga.
Dựa trên những giá trị kinh nghiệm qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, sự sáp nhập của TCM Forklit và Nissan Forklit trở thành UniCarriers Forklit đã cho ra thị trường những thiết bị nâng hạ được đánh giá là một trong những thương hiệu tốt và uy tín nhất trên thế giới hiện nay.